Tháng Chín 20, 2024

Lạy Chúa! Tại sao?

10 min read

Lạy Chúa! Tại sao? Là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi gặp những khó khăn, thử thách và đau khổ trong cuộc sống. Thật vậy, khi những đau khổ xảy đến với bản thân, gia đình, với những người mà chúng ta yêu mến thì sự thường chúng ta luôn đặt câu hỏi với Chúa, tại sao điều đó lại xảy đến với con mà hiếm khi chúng ta nhìn nhận những đau khổ đó dưới con mắt Đức Tin.

Đức Tin giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không bao giờ gửi những đau khổ đến cho con người, và nếu có thì điều đó cũng nhằm giúp con người nhận ra những ý định, kế hoạch của Ngài. Thật vậy, Thánh Phaolô đã viết Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp.” (1Cor 10;13). Nhìn vào đời sống của các thánh, chúng ta cũng thấy được chính các ngài cũng gặp nhiều sự đau khổ trong đời sống của mình. Tuy nhiên, những đau khổ đó không làm cho các ngài mất niềm tin tưởng vào Chúa, càng đau khổ thì các ngài lại càng bám víu vào Thiên Chúa.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng như chúng ta mong muốn hay hoạch định trước nhưng nó luôn mang đến nhiều điều mà chúng ta không ngờ tới được. Nếu chúng ta đã từng đọc hay nghe câu chuyện về ông Gióp, hẳn chúng ta sẽ có cho mình nhiều bài học, nhiều suy tư qua câu chuyện của ông. Gióp là một người sống vẹn toàn, công chính và ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa. Sự toàn vẹn của ông đã được Thiên Chúa công nhận khi nói “Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác!”(x.G 2,). Tuy nhiên, Satan lại không tin vào sự công chính của Gióp nên nó xin Thiên Chúa cho phép nó thử thách ông Gióp và Thiên Chúa đã chấp nhận cho Satan thử thách nhưng không được đụng chạm đến mạng sống của ông (x.G 1,12). Từ một người có tất cả mọi thứ nhưng chỉ trong chốc lát Gióp đã mất đi mọi thứ: bò lừa, lạc đà bị cướp mất, đầy tớ, con cái cũng bị đè chết hết cả (x. G 1;13-19). Vậy mà, thay vì than trách cho số phận, cho cuộc đời của mình thì ông lại thốt lên “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Chúa!”(x. G 1,21). Khi thấy không thể dùng tài sản, con cái để đánh gục đức tin nơi Gióp, Satan lại xin Chúa cho nó thử thách Gióp bằng những sự đau đớn trên cơ thể. Vậy là toàn thân ông bị ung nhọt đầy mình từ bàn chân cho tới đỉnh đầu. Ngay cả khi vợ Gióp bảo ông: hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi thì Gióp vẫn tín trung “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?”(x. G 2,7-10). Và dù cho Gióp có một đức tin vững mạnh như thế nhưng đứng trước sự đau đớn và mất mát quá lớn, ông đã nguyền rủa chính mình “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời” (x. G 3,3). Sau khi đã tìm đủ mọi cách để thử thách Gióp mà ông vẫn vững lòng tin tưởng vào Chúa, Satan đã phải lui bước và Thiên Chúa đã ban thưởng cho ông xứng đáng. Thiên Chúa đã tăng gấp đôi những gì ông Gióp đã có trước kia; súc vật hàng ngàn, con cái xinh đẹp và tuổi thọ miên trường (x. G 42;10-17).

Quả thật, đứng trước những đau khổ, thử thách thật khó để chúng ta có thể suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Chính vì vậy mà dù có nhìn dưới góc độ nào thì nhiều người cũng không thấy được tia sáng hy vọng trong đó. Cũng vì thế mà đã không ít người đánh mất Đức tin khi những đau khổ xảy đến với bản thân hay gia đình của mình.

Hiện nay, thế giới đang đối diện với cơn đại dịch Covid-19. Cơn dại dịch đã làm đảo lộn cuộc sống của biết bao người. Số người bị nhiễm và tử vong vì căn bệnh này gia tăng mỗi ngày. Người lao động mất việc làm, công ty bị phá sản, học sinh và sinh viên không được đến trường, những thánh lễ giờ đây cũng chỉ được xem trực tuyến qua màn hình Tivi hay chiếc điện thoại. Khát khao có một cuộc sống an bình như ngày nào giờ đây đang là niềm mơ ước của biết bao người.

Mỗi khi lướt mạng, những video, hình ảnh do đại dịch gây ra đã không ít lần làm chúng ta phải rơi lệ. Chính lúc này chúng ta cũng đã thốt lên “Lạy Chúa, xin chấm dứt cơn đại dịch đang hoành hành trên thế giới, trên quê hương đất nước của chúng con”. Thế nhưng chúng ta có cảm tưởng rằng: dường như lời cầu nguyện của chúng ta không được Thiên Chúa chấp nhận khi mà dịch bệnh vẫn còn đó và còn nguy hiểm hơn khi những biến chủng mới xuất hiện. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa vắng bóng trong cuộc sống này bởi qua những gì mà chúng ta nhìn thấy trong bóng đêm của cơn đại dịch thì vẫn còn đó những ánh sáng được thắp lên để xua tan đám mây đen Covid-19. Ánh sáng đó được Thiên Chúa thắp sáng qua những tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân. Qua sự phục vụ tận tình và không biết mệt mỏi của biết bao nhiêu các y bác sĩ đối với người bệnh. Sự phục vụ, dấn thân một cách âm thầm của biết bao tu sĩ, linh mục dù biết rằng bản thân có thể bị nhiễm bất cứ lúc nào trong khi phục vụ người bệnh. Sự hy sinh, phục vụ của họ là minh chứng sống động trong một thế giới mà con người chỉ muốn sống cho riêng bản thân của mình.

Thiết nghĩ thay vì đi tìm đáp án cho câu hỏi tại sao thì chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá và cầu nguyện với Chúa Giêsu để xin Ngài giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thách đố trong lúc này. Hãy tin tưởng vào Chúa, chính Ngài sẽ đến để dẹp yên những con sóng đang cố gắng vùi dập chúng ta và đưa tay nâng đỡ chúng ta trỗi dậy bởi chính “Đức Giêsu cũng phải trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn” (Dt 2,10) và Ngài cũng “đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”(Dt 5,8), để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Ngài (Pr 2, 22).

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 14 tháng 10 năm 2020 Đức thánh cha Phanxi cô cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng “Cầu nguyện cứu chúng ta khỏi tình cảnh tồi tệ nhất là bị bỏ rơi trong đau khổ, không được nhớ đến. Bởi vì có thể xảy ra là chúng ta không hiểu kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng tiếng kêu của chúng ta không bị đè nén ở đây: nó vươn lên tới Chúa, Đấng có trái tim của một người Cha, và chính Người khóc cho mọi con cái đau khổ và qua đời. Tôi sẽ nói với bạn một điều: trong những khoảnh khắc tồi tệ, thật tốt đối với tôi khi nghĩ đến Chúa Giê-su đang khóc, khi Người khóc thương thành Giê-ru-sa-lem, khi Người khóc trước mộ La-da-rô. Chúa khóc cho tôi, Chúa khóc vì nỗi đau của chúng ta. Bởi vì Chúa muốn trở thành con người để có thể khóc với chúng ta. Nghĩ rằng Chúa Giêsu khóc với mình trong đau khổ là một niềm an ủi: nó giúp chúng ta tiến bước”.

Chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những ưu tư, những buồn phiền mà mỗi người chúng ta đang gặp phải “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4,6). Đừng chỉ ngước mắt lên hỏi Chúa Tại sao? Nhưng hãy thân thưa với Chúa “Lạy Chúa, Chúa biết những khó khăn, những thách đố mà bản thân con, gia đình con và biết bao người trên thế giới đang phải đối diện. Xin Chúa ban Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, an ủi và thêm sức để giúp con nhận ra được thánh ý của Ngài trong cuộc sống. Ước mong mỗi người luôn giữ vững Đức tin trước những thách đố trong cuộc sống để rồi Thiên Chúa cũng sẽ nói với mỗi người chúng ta như đã nói với người đàn bà Canaan “Này con, lòng tin của con lớn thật. Con muốn sao thì sẽ được như vậy”.

Dâng Tiến Chúa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *