Tháng Chín 18, 2024

Lược sử Giáo xứ Xâm Bồ

8 min read


Lược sử Giáo xứ Xâm Bồ

I- XÂY DỰNG

Giáo họ nhà xứ Xâm Bồ cách Toà giám mục Hải Phòng khoảng 4 km theo đường chim bay, thuộc địa bàn khu 4 – phường Nam Hải – quận Hải An – thành phố Hải Phòng. Phía Đông Bắc giáp phường Đông Hải – Họ Hạ Đoạn, Đông Nam giáp họ nhà xứ Lương Khê, họ Bi Khê, Tây Nam giáp giáo họ Xâm Đông, Thư Trung, Kiều Sơn, Tây Bắc là trung tâm thành phố Hải Phòng

Cộng đoàn giáo xứ Xâm Bồ từ năm 1858 đến năm 1924 gồm có: Xâm Bồ, Lương Khê, Cát Bi, Cát Khê, Xâm Đông thuộc xứ Đồng Bớp (nay là xứ Nam Pháp), nhận Thánh Micae làm quan thầy.

* Thời kỳ tiên khởi:

Giáo dân thường làm nghề chài lưới, đan nát, trồng trọt, sống trên lều tạm hay dưới thuyền chài. Khi sóng gió đến với giáo hội Việt Nam, các Kitô hữu từ Nam Định, Thái Bình, Nghệ An… đã trôi dạt theo cánh buồm để đến với Xâm Bồ và cập bến buông neo, kết tình huynh đệ, cùng nhau hội tụ lập lên họ đạo. Hải Phòng là nơi giao thương nhộn nhịp, nơi đất cảng đầy nắng gió mặn mòi của biển khơi, song cũng là nơi có những mảnh đất tốt tươi để hạt giống tin mừng đâm chồi, nảy lộc, vươn cành.

Năm 1900, nhờ ơn Chúa, Cha xứ Nam Pháp tổ chức Ban hành giáo cùng dân họ từng bước chuẩn bị để xây dựng nhà thờ. Hai Cha trước kia đã được bà con giáo dân chở che tại các hang ngoài đảo Cát Bà nay cùng về đồng hành với Cha xứ, chung tay với giáo họ bắt tay vào công việc. Từng đoàn kéo nhau ra Tiên Yên, Ba Chẽ khai thác gỗ đóng bè xuôi về. Người đi Nam Định kiếm tìm thợ giỏi, lành nghề, người lo tổ chức, lên kế hoạch thi công, người lo kinh tế, tài chính… Song do chưa hội tụ đủ các mặt, vì thế hơn 10 năm sau – năm 1911 việc xây cất nhà thờ mới hoàn tất trên mảnh đất tổ tiên gửi gắm.

Cha chính địa phận – Cha Salva Do Massote – Chính tay ngài đặt nóc nhà thờ. Trong giây phút thiêng liêng ấy, khi niềm vui dâng trào người hỏi dân họ: “Các con xin gì? Đa đinh hay cường phú?”. Lúc đó, dân họ ít nhân danh nên đồng thanh thưa với Ngài: “Chúng con xin đa đinh”. Cha hài lòng nói: “Xin Thiên Chúa cho Xâm Bồ từ ngôi nhà thờ này có một cỗ linh mục người quê hương”. Toàn dân hoan hô, cảm tạ Ngài, đồng thanh ca ngợi Thiên Chúa và cùng nhau bước vào dự tiệc liên hoan.

5 năm sau (1916), nhờ ơn Chúa, Mẹ Maria và Thánh Micae bầu cử, dân làng làm ăn phát đạt, được mùa cá. Cha Khoa – Chính xứ Nam Pháp Ngài khuyến khích xây tháp chuông. Dân họ đồng lòng, cha con đóng xe, chở gạch, cát, mua vôi về xây dựng. Người góp của, người góp công đồng tâm hiệp lực hoàn thành cây tháp cao 22m, rồi quyên tiền gửi sang tây mua chuông.

Hoà chung với lời kinh cầu nguyện sớm tối, những bài Thánh ca thánh thót… nay thêm tiếng chuông ngân vang, ngân xa khẳng định sức sống dồi dào của họ đạo.

Thực là:

“Xâm Bồ đất mẹ quê tôi
Biển xô, sóng đổ tạo bồi nên quê
Sớm hôm chài lưới đi về
Thương gia tấp nập tuôn về bán buôn
Sẻ chia cuộc sống vui buồn
Truyền trao lời Chúa, suối nguồn niềm tin”

Năm 1924, Đức Giám mục Hải Phòng Đờ Azua Minh tách xứ Đồng Bớp thành 03 xứ: Xứ Nam Pháp, xứ Đồng Giới, xứ Xâm Bồ (Xứ Xâm Bồ nhận thánh Antôn Pađua làm quan thầy.

II- TRÙNG TU

Giáo xứ Xâm Bồ nằm trong vùng Đông Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, vì thế rêu phong đã che phủ, khi nắng lửa, lúc mưa tuôn làm cho ngói võng, gỗ mục, lại thường xuyên chịu những cơn bão lớn từ Biên Đông xô đẩy làm cột, kèo nghiêng ngả, tường rạn nứt… Trước cảnh đó, giáo dân trăn trở ngày đêm nguyện cầu xin Chúa đoái thương, trợ giúp.

Ngày 24/8/1988, Cha Giuse Đào Vĩnh Cửu về nhận xứ. Ngài cùng giáo họ đóng các hàng ghế trong nhà thờ.

Năm 1990, Cha Antôn Nguyễn Văn Hiệu – Người con quê hương đang ở nhà với thân mẫu đã chung lo cùng Ban hành giáo và giáo dân. Ngài đã củng cố, tổ chức các hội đoàn dựng tượng đài Đức Mẹ ban ơn, tượng Thánh Giuse thợ. Đặc biệt, người đã tôn tạo bàn thờ đá là di sản quý báu tổ tiên để lại. Ngày 08/12/1991, Đức Cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương long trọng thánh hiến.

Ngày 17/10/1994, giáo xứ Xâm Bồ mừng đón Cha Giuse Phạm Văn Dương về nhận xứ. Trước cảnh giáo dân đông đúc (cả xứ gần 3000 kitô hữu), nhà thờ vừa hẹp, vừa thấp. Cha con đồng lòng bắt tay vào việc đại tu ngôi thánh đường. Cụ thể:

– Nâng cao cột, xây cao tường thêm 1m
– Thay thế các phần gỗ mục bằng gỗ mới
– Tôn tạo, trạm khắc các hoạ tiết, hoa văn vừa mềm mại, vừa thanh thoát và được sơn son, thiếp vàng thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính.
– Mở rộng ra 02 bên hiên, kéo dài về hai phía

Một thế kỷ qua đi, ngắm nhìn nhà thờ vừa cao thêm, vừa dài thêm, rộng thêm lại được kiến trúc theo kiểu á đông từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài thật hài hoà. Mái lợp ngói mũi trang điểm thêm các đường nét cong cong mềm mại, gắn liền cùng cây tháp mang trên mình màu vàng tươi tắn vút lên dưới nền trời xanh thắm như lòng ta hướng về Thiên Chúa.

Sống giữa quê hương, chiêm ngắm ngôi Thánh Đường thân yêu ta cảm thấy mình thật sự là con Thiên Chúa, là con đất Việt, ấm áp tinh thần “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”.

Xuyên suốt chiều dài 100 năm, sự dày công xây dựng trong gian lao khó nhọc của các bậc tiền nhân và bao công sức của những người góp phần xây dựng, trùng tu ngôi nhà thờ về vật chất, về tinh thần đã viết thành những trang sử đáng trân trọng cho giáo xứ, giáo phận và giáo hội.

Xin tri ân tất cả và tạ ơn Thiên Chúa!

DIỆN TÍCH NHÀ THỜ

  1. Diện tích cũ :

  • Dài 28.7m X rộng 12m = 344.4m2
  • Tháp chuông : 12m x 3.6m = 43.2m2
  • Tổng diện tích cũ : 387.6m2
  1. Diện tích mở rộng :

2 bên 28.7m x 2.6m x 2 bên = 149.24 m2

  • Sảnh cuối : 12m x 5.7m = 68.4m2
  • Khu sau Cung Thánh : 12m x 7.3 = 87.6m2
  • Tổng diện tích mở rộng: 305m2
  1. Tổng diện tích hiện tại : 692.6m2

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ NHÀ THỜ XÂM BỒ

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *