Tháng Chín 18, 2024

Từ bỏ ý riêng để dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa

18 min read
Chúa Giêsu là mẫu gương cho những ai bước theo Người: “Tôi không đến để làm theo ý tôi, nhưng làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Chỉ khi nào can đảm từ bỏ ý riêng, chúng ta mới thực sự là những người tự do để tìm kiếm và sống theo thánh ý Chúa.

„Hễ điều gì họ nghĩ hoặc ưa thích thì họ cho là thánh thiện.

Còn điều gì không vừa ý, họ cho là không nên“ (Tu Luật thánh Biển Đức 1,9).

DÂNG HIẾN TRỌN VẸN CHO THIÊN CHÚA

M. Lazarô Nguyễn Hưng Quyền

Giáo Luật 1983 đã định nghĩa: “Đời sống tận hiến, qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm là một lối sống bền vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Chúa Kitô, dưới sự tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa” (GL 573 §1). Như thế, Giáo Hội đã khẳng định một trong những yếu tố căn bản của đời tu là dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tuyển chọn và thánh hiến họ để họ trở thành sở hữu của Ngài, “họ phải từ bỏ thế gian để sống cho một mình Thiên Chúa” (Perfectae Caritatis, 5). Đây là lối sống diễn tả tình yêu trao hiến toàn thân cho Thiên Chúa và tha nhân.

Thánh Biển Đức cũng đã nhấn mạnh đến yếu tố căn bản này với những ai muốn bước theo Chúa Kitô trên đường trọn lành. Một khi đã tuyên khấn, các đan sĩ đã trở nên khí cụ trong bàn tay của Chúa, Ngài sẽ sử dụng cả con người và cuộc sống của họ theo như ý định của Ngài. Họ tự nguyện dâng hiến cho Chúa tất cả tự do, ý chí và lý trí, đến nỗi “không có chủ quyền ngay trên bản thân của mình nữa” (TL 58,25). Vì thế, thánh Biển Đức đã tổ chức nếp sống cộng tu vì đây là hình thức thể hiện sự dâng hiến cách trọn vẹn nhất, “đó là những người sống trong đan viện, chiến đấu theo một tu luật và dưới quyền một Viện phụ” (TL 1,2). Đồng thời, Cha thánh cũng lên án lối sống của các đan sĩ tự tu, và cũng để nhắc nhở các môn sinh không sa vào lối sống đó. Vì “qua cách sống, họ chứng tỏ còn mê theo thói đời. Đã hiển nhiên là họ lấy việc cắt tóc đi tu mà dối Chúa” (TL 1,7). Hay nói cách khác, họ là những người dâng hiến cho Thiên Chúa cách nửa vời.

Trước tiên, họ không sống theo một tu luật. Trong một cộng đồng cùng chung sống với nhau thì luật lệ là điều không thể thiếu. Những điều luật giúp cho đời sống chung được ổn định theo một trật tự hài hòa. Trong đời sống đan tu, tu luật còn mang một ý nghĩa và tầm quan trọng hơn nữa, vì đó không chỉ là những qui định về mặt cơ cấu tổ chức bên ngoài, mà còn là những chỉ dẫn trên đường thiêng liêng. Tu luật là “bậc thầy kinh nghiệm” giúp các đan sĩ mau chóng đạt tới cùng đích mà mình đang tìm kiếm. Ơn gọi đan tu chiêm niệm là luôn sống trong sự kết hiệp mật thiết, liên lỉ vời Chúa. Vậy Tu luật là mối dây giúp gìn giữ và phát huy mối liên hệ ấy. Sách Gương Chúa Giêsu dạy rằng: “Nếu muốn tiến tới trên đường nên thánh, con đừng tự do quá, con hãy dùng luật phép mà hãm dẹp con người tự nhiên của mình”. Nếu đan viện là trường học phụng sự Thiên Chúa, thì Tu luật là vị thầy hướng dẫn đời sống tâm linh, giúp nhào nặn nên cuộc sống thực tế của những ai muốn theo sát Chúa Kitô. Vì vậy, không thể trở nên một đan sĩ đích thực nếu sống ngoài Tu luật. Cha tổ phụ Biển Đức Thuận trước phút lâm chung đã trối lại: “Muốn nên thánh thì hãy giữ Luật Dòng” (Di ngôn, 150).

Ngày nay, chúng ta thường bị cám dỗ bởi một lối sống dễ dãi, mà một trong những biểu hiện của nó là việc coi thường lề luật trong đời sống chung. Nhiều người coi việc giữ luật là nặng nề, là gò bó, làm mất tự do cá nhân dẫn đến việc buông lỏng, sống theo ý riêng của mình. Và ngược lại, cũng có người giữ luật cách máy móc, vụ luật, vụ nguyên tắc. Cả hai thái độ đó đều là tiêu cực và cần phải tránh. Chúng ta không giữ luật như các công ty, tổ chức xã hội nhưng việc giữ luật phải xuất phát từ lòng yêu mến. Khi tình yêu đủ lớn thì việc giữ luật sẽ trở nên nhẹ nhàng. Phải nhìn nhận cách tích cực rằng luật là một hồng ân, vì luật giúp chúng ta bước đi được an toàn và đúng hướng. Với kinh nghiệm của một tu sĩ Dòng Tên, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhắn nhủ các tu sĩ: “Niềm vui trong đời sống tu trì là hoa quả của sự hạ mình, của vâng phục và một tình yêu cao cả dành cho luật dòng. Xin anh chị em hãy yêu mến luật dòng thật nhiều!”. Chúng ta cần mang lấy tâm tình như Vịnh gia khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn, được Ngài lấy luật mà dạy dỗ bảo ban” (Tv 93,12).

Thứ đến, lối sống dâng hiến nửa vời của các đan sĩ tự tu còn được thể hiện qua việc nô lệ cho ý riêng: “Lề luật của họ là thỏa mãn các dục vọng. Hễ điều gì họ nghĩ hoặc ưa thích thì họ cho là thánh thiện. Còn điều gì không vừa ý thì họ cho là không nên” (TL 1,8-9). Không có gì nguy hại cho đời sống tu trì bằng việc yêu thích và sống theo ý riêng, vì bản tính con người thường hướng chiều về việc thỏa mãn các dục vọng. Truyền thống thiêng liêng luôn chiến đấu chống lại ý riêng. Ý riêng là sợi dây kéo con người xuống thấp nhằm tìm kiếm các giá trị thấp hèn. Chỉ khi nào cắt đứt sợi dây đó chúng ta mới có thể nâng tâm hồn lên để hướng lòng về những gì cao thượng. Đó chính là lý do vì sao trong suốt bản Tu luật của mình, thánh Biển Đức đã nhiều lần lên án ý riêng trong nếp sống đan tu. Sống theo ý riêng cũng là một hình thức kiêu ngạo, vì khi đó chúng ta dễ dàng nghe theo ý cá nhân hơn là nghe theo ý Chúa.

Chúa Giêsu là mẫu gương cho những ai bước theo Người: “Tôi không đến để làm theo ý tôi, nhưng làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Chỉ khi nào can đảm từ bỏ ý riêng, chúng ta mới thực sự là những người tự do để tìm kiếm và sống theo thánh ý Chúa. Trong một xã hội đề cao tự do cá nhân, thì đây quả là một thách đố lớn lao. Nhất là khi ý Chúa và lệnh truyền đi ngược lại với ý muốn của mình. Nhưng một khi đã trao đi ý riêng để thuận theo ý Chúa, chúng ta sẽ nhận lại được nhiều hơn những gì mà chúng ta mong đợi. Câu chuyện mẻ cá lạ lùng trong Tin Mừng Luca 5,1-11 là một minh chứng. Các Tông đồ đã từ bỏ ý riêng của các ông, mặc dù ý riêng đó được được rút ra từ chính kinh nghiệm lâu năm trong nghề chài lưới. Nhưng “vâng lời Thầy” các ông đã thả lưới và tận mắt chứng kiến mẻ cá lạ lùng, trong khi các ông đã “vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”.

Một trong những đòi hỏi căn bản của tình yêu đó là sự trao hiến hoàn toàn cho đối tượng mà mình yêu mến. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã trao ban tất cả cho con người và Ngài muốn chúng ta đáp trả lại tình yêu đó bằng việc dâng hiến hoàn toàn cho Chúa. Ơn gọi là một quà tặng đến từ Thiên Chúa. Món quà này đòi hỏi một điều kiện hết sức căn bản là người được thánh hiến phải dâng hiến hoàn toàn, triệt để và vô điều kiện cho Thiên Chúa để thực hiện chương trình cứu độ của Người. Thiên Chúa không chấp nhận một tình yêu dâng hiến cách nửa vời, nhưng là một tình yêu trọn vẹn, không san sẻ. Như em nhỏ đã trao cho Chúa Giêsu năm chiếc bánh và hai con cá, chúng ta cũng hãy trao hiến đời mình trong tay Chúa, để Ngài cũng sẽ biến đổi và làm cho đời sống chúng ta được nên phong phú.

 

 

 

 

THAY ĐỔI TÂM THỨC

M. Bonaventura Trần Nguyễn Đăng Khoa

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển về khoa học và công nghệ. Nó góp phần giúp cho cuộc sống chúng ta tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đi cùng với nó là sự phát triển của nền văn hoá coi trọng quyền sở hữu và tiêu thụ. Chủ nghĩa tục hoá và chủ nghĩa cá nhân bành trướng, với việc đề cao lý trí, tự do, cái tôi. Sống trong một xã hội như vậy khiến cho con người bị “trói buộc” vào tư tưởng khép kín, có thể nói là bị đóng khung trong một “vỏ bọc”. Những tác nhân ấy tác động, chi phối trên lối sống, suy nghĩ, nhận thức và hành động của ta trên con người và cuộc sống. Không chỉ ngày hôm nay mà cách đây 15 thế kỷ, cha thánh Biển Đức đã nói: “Hễ điều gì họ nghĩ hoặc ưa thích thì họ cho là thánh thiện. Còn điều gì không vừa ý, họ cho là không nên” (TL 1,9). Dù bất cứ thời đại nào, trong hành trình của cuộc sống, chúng ta luôn mang trong tâm trí những lối mòn suy nghĩ, những nhận thức lệch lạc, quan niệm về sự vật và con người bị méo mó. Đâu là giải pháp giúp ta thay đổi tâm thức, thay đổi chính mình? Làm sao chúng ta có được một nhận thức đúng đắn, để thay đổi con người cũ của mình?

Triết gia Socrates có một câu nói nổi tiếng: “Hãy tự biết mình”. Biết mình để hiểu rõ về chính mình. Liệu chúng ta có thể nhìn nhận tâm thức mình một cách bao quát đầy đủ, để từ đó chúng ta trở thành con người toàn diện hơn hay không? Là một con người, chúng ta luôn thích những gì tốt đẹp, hạnh phúc cho mình. Vì vậy đôi khi những lựa chọn, suy nghĩ của ta là dựa theo cảm tính và quy hướng về mình. Giá trị việc làm của ta trước tiên là cho mình và sau đó là cho người khác. Và chúng ta đặt mình làm “quy chuẩn”, “thước đo” cho mọi sự. Khi đặt mình làm “quy chuẩn” thì mọi giá trị khác ta đều xem là sai lầm. Đó chính là sự kiêu ngạo trong ta. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ chúng ta: “Đừng tự cao tự đại nhưng ham thích những gì hèn mọn” (Rm 12,16). Chính câu chuyện cuộc đời thánh Phaolô là một bài học quý giá cho ta. Là một người Do Thái, ngài giữ đạo một cách nhiệt thành. Trong tâm trí nhận thức của ngài lúc bấy giờ, đạo Do Thái là số một, những đạo khác là sai lầm. Nên ngài đã lùng sục, bắt bớ những người theo Đức Kitô. Chính biến cố trên đường đi Damascus đã hoàn toàn làm thay đổi con người của ngài. Phải nói rằng chính ánh sáng của Thiên Chúa đã biến đổi cái nhìn và nhận thức của ngài. Không có biến cố Damascus thì ngài vẫn còn sống trong những thành kiến, cái nhìn hạn hẹn về Đức Kitô. Sự biến đổi đó đã hoàn toàn thay đổi con người của ngài: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Ngài khuyên nhủ chúng ta hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô (x. Rm 13,14).

Đôi khi chúng ta cũng vậy, bị đóng khung trong những nhận thức đã có. Như một chiếc máy tính bị đóng khung trong ngôn ngữ lập trình dành cho nó. Để thật sự biến đổi, đòi hỏi chúng ta phải có một cái nhìn mới, giúp chúng ta điều chỉnh không ngoan để có một nhận thức đúng đắn. Là một người đan sĩ sống trong xã hội hôm nay, đôi lúc chúng ta bị cuốn theo góc nhìn, quan điểm của thế giới này. Để không bị cuốn trôi theo dòng chảy tục hoá, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện một cuộc lội ngược dòng. Khi con người ngày nay đề cao cái tôi và giá trị vật chất, thì người đan sĩ hãy sống cho đi, quảng đại và yêu thương. Hãy đặt tình yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân lên trên hết. Tình yêu Thiên Chúa và tha nhân phải là thước đo giá trị, chứ không phải là vì lợi ích của bản thân ta. Khi chúng ta sống cho Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta không còn quy hướng về chính mình nữa.

Để thật sự nhận thức và hành động đúng, chúng ta hãy nuôi dưỡng cho mình một đời sống nội tâm. Khi dòng chảy cuộc sống hiện đại cuốn ta trôi theo, chúng ta không còn nhận ra chính mình nữa. Thời gian tĩnh lặng giúp ta lắng nghe tâm hồn mình, để có thể nhận ra những thiếu sót, yếu đuối, giới hạn trong con người ta. Thời gian tĩnh lặng giúp đầu óc chúng ta được tỉnh táo, con tim chúng ta gõ đúng nhịp. Ngõ hầu chúng ta có thể làm việc một cách sáng tạo, nói năng một cách khôn ngoan và đối xử với tha nhân một cách dịu dàng nhân ái. Thời gian tĩnh lặng là điều quan trọng như cha Thomas Merton đã nói: “Ai không thể sống một mình, kẻ ấy không thể tìm thấy con người đích thật của mình, và luôn sống dưới mức độ thật của bản thân[1]. Đi đôi với sự tĩnh lặng là chiêm niệm. Chiêm niệm là nền tảng quan trọng của đời sống người đan sĩ. Thánh Giáo hoàng Piô X đã khẳng định: “Cần phải trở về mà chiêm niệm những thực tại vĩnh cửu trong cuộc sống hằng ngày nhờ đó chúng ta canh tân lòng nhiệt thành của mình, làm chủ tâm trí và ý chí trở nên mạnh mẽ mà chống lại những quyến rũ của thế gian[2]. Yếu tố thiết yếu cuối cùng chính là cầu nguyện. Cầu nguyện giúp ta có được sức mạnh và lòng tin. Cầu nguyện là nối kết ân sủng của Thiên Chúa, vì tự sức mình chúng ta không làm được gì. Chính khi cầu nguyện là chính khi Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta. Chính Thần Khí sự thật sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,13). Thần Khí sẽ hành động thánh hoá (2Tx 2,13; 1Pr 1,2). Đấng sẽ cải tạo những hạn chế trong con người chúng ta, sẽ biến đổi chúng ta thành những thụ tạo mới. Với quả tim mới và thần trí mới (Ed 36,26), để ta sống hoàn thiện hơn như lòng Chúa mong ước.

Chúng ta có đủ dũng cảm và sự khôn ngoan để thay đổi trong chính bản thân mình không? Như triết gia Socrates đã nói: “Một cuộc sống không được xem xét thì không đáng sống”. Chỉ khi nào chúng ta dám nhìn thẳng vào con người mình, chúng ta mới dám thay đổi những nhận thức lệch lạc, những góc nhìn phiến diện, những suy tư hạn hẹp trong con người ta: “Chúng ta chỉ thật sự tồn tại khi chúng ta không còn nô lệ cho tính khí, quyền lợi của mình. Chúng ta không còn là nô lệ bao lâu chúng ta tan biến trong Chúa [3]Chỉ khi đó chúng ta mới thật sự sống triển nở, hạnh phúc và bình an.

 

 

 


[1] Felix Podimattam, OFM Cap. Canh tân đời sống thánh hiến, dg Nguyễn Ngọc Kính. Nxb Phương Đông 2014, tr. 195.

[2] Tông huấn Haerent Animo gởi các Linh mục Công giáo.

[3]  Maurice Zundel, Cùng với Chúa trong cuộc sống thường ngày, dg. Gioan Nguyễn Văn Đàng O.Cist, tr. 155.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *